Hội thảo "Kinh tế số và năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP): Nền tảng đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam" - Ảnh: VGP/HT
TFP và kinh tế số: Trụ cột mới trong chiến lược tăng trưởng
Ngày 10/7, tại Hà Nội, Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương phối hợp cùng Đại học Quốc gia TPHCM đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "Kinh tế số và năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP): Nền tảng đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam".
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương nhấn mạnh: "Mô hình tăng trưởng theo chiều rộng đã đến giới hạn. Chúng ta không có con đường nào khác ngoài việc chuyển đổi mô hình sang tăng trưởng dựa vào năng suất và hiệu quả".
Thời gian qua, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết chiến lược, trong đó Nghị quyết số 57-NQ/TW xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá then chốt nhằm nâng cao năng suất, đảm bảo tăng trưởng nhanh, bền vững và giữ vững tự chủ chiến lược.
Theo chỉ tiêu của Nghị quyết 57, đến năm 2030, TFP phải đóng góp trên 55% vào tăng trưởng GDP; tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt ít nhất 50%; quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP và tiến tới 50% vào năm 2045.
Để cụ thể hóa mục tiêu này, Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương đang xây dựng Đề án chiến lược nhằm đạt tăng trưởng kinh tế hai con số trong thời kỳ tới - được gọi là "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".
Phó Trưởng ban Nguyễn Hồng Sơn đề xuất 5 nhóm vấn đề để các đại biểu thảo luận về các nội dung: Cải thiện cách đo lường chính xác đóng góp của TFP và kinh tế số vào tăng trưởng kinh tế; xác định rõ đâu là các yếu tố then chốt thúc đẩy TFP trong giai đoạn tới; làm rõ mối liên hệ giữa TFP và chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực; phát huy hiệu quả dữ liệu số - được coi là nguồn lực phát triển mới trong cả cấp độ quốc gia và địa phương. Đồng thời, cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là từ Singapore, quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Dưới góc nhìn quốc tế, GS Tan Swee Liang, Đại học Quản lý Singapore (SMU), nhấn mạnh: Khi các yếu tố vốn và lao động đã được sử dụng triệt để, chỉ có tăng năng suất mới giúp sản lượng tăng trưởng. Do đó, TFP là động lực chủ chốt trong dài hạn.
Cùng quan điểm này, GS.TS. Vũ Minh Khương (Đại học Quốc gia Singapore) cũng cho rằng Việt Nam cần ưu tiên đổi mới sáng tạo, đầu tư vào công nghệ và cải cách thể chế nhằm nâng cao TFP, thúc đẩy kinh tế số và bứt phá trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Phạm Đại Dương, Phó Trưởng ban Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương phát biểu tại hội thảo - Ảnh: VGP/HT
Doanh nghiệp phải là trung tâm đổi mới
TS. Nguyễn Quang Vinh, chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) đã cung cấp cái nhìn thực tế về đóng góp của TFP tại Việt Nam. Theo TS Vinh, dù tỷ trọng hàng công nghệ cao trong xuất khẩu đã tăng mạnh nhưng giá trị gia tăng nội địa vẫn thấp.
Ông Vinh lưu ý rằng phần lớn giá trị này đến từ khu vực FDI, đặc biệt là các tập đoàn như Samsung, Dell. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chủ yếu tham gia ở khâu lắp ráp, đóng gói cuối chuỗi sản xuất. Thậm chí trong lĩnh vực bán dẫn, giá trị gia tăng nội địa có thể âm.
"Nếu một doanh nghiệp nhập chip NVIDIA rồi xuất khẩu lại, thì giá trị tạo ra ròng có thể âm, do tỷ lệ hàng nhập khẩu quá cao so với giá trị tạo thêm", ông Vinh dẫn ví dụ:
Nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp, TS Nguyễn Quang Vinh cho rằng, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là lực lượng nòng cốt để chuyển dịch từ khu vực năng suất thấp sang năng suất cao. Tuy vậy, khảo sát gần đây cho thấy chỉ tỷ lệ doanh nghiệp Việt đạt trên mức trung bình rất thấp, đa số đổi mới chỉ mang tính nội bộ.
Khoảng 80% doanh nghiệp đổi mới chỉ cải tiến quy trình hiện tại, chứ chưa tạo ra giá trị mới cho thị trường. Hơn nữa, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) mới chỉ chiếm 0,5% GDP, trong khi mục tiêu là 2%.
"Việt Nam cần thúc đẩy lan tỏa công nghệ, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tư mạnh mẽ vào R&D để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình", ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.
Trong phần thảo luận, các chuyên gia đến từ ĐHQG Hà Nội, Đại học Kinh tế - Luật TPHCM, Đại học Thương mại cùng các lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ như Viettel, Becamex, CT Group… đều thống nhất rằng cần một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đồng bộ.
Theo đó, cần liên kết chặt chẽ giữa nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp. Đồng thời, phát triển hạ tầng số, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong giáo dục, y tế, tài chính, logistics và quản lý công là điều kiện tiên quyết...
Ông Phạm Đại Dương, Phó Trưởng ban Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương nhấn mạnh, TFP đóng vai trò rất quan trọng trong đánh giá năng suất và hiệu quả tăng trưởng. Tuy nhiên, cũng cần thống nhất cách tính phù hợp hơn, để đảm bảo khi hoạch định chính sách, các con số phải phản ánh đúng thực chất.
Các chuyên gia cho rằng, từ khi Việt Nam bắt đầu triển khai chiến lược tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt từ 2022-2023 đến nay, sự xuất hiện và ứng dụng mạnh mẽ của AI, blockchain cùng các công nghệ số khác đã làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất, mô hình kinh doanh. Vì vậy, đề xuất nâng tỷ trọng đóng góp của PTP lên 55% không còn là một nhận định quá táo bạo mà có cơ sở thực tiễn, khoa học.
Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương kỳ vọng sẽ tiếp tục nhận được đóng góp thường xuyên từ các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan trung ương, địa phương và doanh nghiệp, nhằm hoàn thiện cách tiếp cận, phương pháp đo lường và cơ chế chính sách trong lĩnh vực năng suất tổng hợp và kinh tế số.
Anh Minh
Nguồn: https://baochinhphu.vn/thuc-day-kinh-te-so-va-tfp-gop-phan-nang-suc-canh-tranh-quoc-gia-10225071014170322.htm
Bình luận (0)