Bệnh nhân cao tuổi khám mắt tại Bệnh viện Mắt Hà Nội - Đồng Nai. Ảnh: H.Dung |
Bác sĩ chuyên khoa I Hoàng Vĩnh Hà, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội - Đồng Nai cho biết, nguyên nhân của lão thị là do lão hóa thủy tinh thể, thường gặp ở hầu hết người cao tuổi. Người bị lão thị thường nhìn kém và hay bị mỏi mắt khi phải nhìn để cố nhận ra vật gì đó ở gần. Khi nhìn lâu có thể bị chảy nước mắt, chóng mặt và đau đầu.
Cũng theo bác sĩ Vĩnh Hà, lão thị xảy ra ở người từ 40 tuổi trở lên nhưng biểu hiện khác nhau tùy theo độ khúc xạ sẵn có của mỗi người. Ở người có sẵn viễn thị sẽ cần sử dụng kính để nhìn gần sớm hơn, có thể trước tuổi 40. Ở người chính thị (không có độ khúc xạ khi nhìn xa), lão thị biểu hiện ở tầm 40 tuổi. Còn ở người có tật khúc xạ cận, loạn thị, nếu ở độ nhẹ (1-2 độ), khoảng 40 tuổi sẽ nhìn mờ nếu đeo kính cận, cần bỏ kính để nhìn gần rõ hơn. Với người bị cận thị nặng (từ 4-5 độ trở lên) sẽ cần đeo kính đa tròng hoặc kính độ nhẹ hơn để nhìn gần được rõ.
Mắt người lão thị điều tiết rất kém, yếu, hay chảy nước mắt. Đây được coi là biểu hiện của tuổi già. Do vậy, người lão thị nên đeo kính thường xuyên để mắt nhìn không bị quá mỏi.
Để điều trị bệnh lão thị, với trường hợp thủy tinh thể bị đục mờ có thể phẫu thuật thay thủy tinh thể; hoặc phẫu thuật khúc xạ để thay đổi hình dạng giác mạc. Hiện nay, có công nghệ phẫu thuật SBK Presbyond điều chỉnh độ khúc xạ của giác mạc; hay phẫu thuật Femtosecond Presbyond dùng tia laser chiếu lên bề mặt giác mạc để tạo vạt giác mạc, điều chỉnh độ khúc xạ. Từ đó, giúp người già có khả năng nhìn tốt hơn.
“Những người từ 55-60 tuổi, sau một thời gian dài cần đeo kính nhìn gần, đột nhiên thấy giảm độ của kính lão hoặc không cần kính lão để nhìn gần có thể là dấu hiệu cảnh báo đang có bệnh lý đục thủy tinh thể. Bệnh nhân cần đến cơ sở chuyên khoa mắt để được bác sĩ thăm khám và chọn phương pháp điều trị phù hợp” - bác sĩ Vĩnh Hà khuyến cáo.
An Yên
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202504/tu-do-tuoi-nao-co-the-bi-lao-thi-6180670/
Bình luận (0)