Một trong những điểm mốc quan trọng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử của quân đội ta góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đó chính là chiến thắng Xuân Lộc, diễn ra từ ngày 9-21/4/1975.
Đây là chiến dịch đặc biệt quan trọng, diễn ra rất ác liệt vì địch tăng cường phòng thủ và kêu gọi binh sỹ tử thủ. Tuy nhiên, sau khi tấn công không hiệu quả, ta đã dùng mưu kế đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc, mở rộng đường tiến thực hiện Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Chiến dịch Xuân Lộc được coi là một điển hình về nghệ thuật dùng mưu kế đánh địch trong kho tàng lịch sử quân sự Việt Nam hiện đại. Chiến thắng này đã tạo thế, tạo địa bàn không chỉ cho Quân đoàn 4 mà còn Quân đoàn 2 từ phía Bắc tiến vào, có chỗ đứng chân, làm bàn đạp để Trung ương, Bộ Chỉ huy miền tiến hành chiến dịch Hồ Chí Minh.
Mở toang “cánh cửa thép” Xuân Lộc
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, sau đòn điểm huyệt Buôn Ma Thuột, ta đã nhanh chóng giải phóng Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng và hầu hết các tỉnh ven biển miền Trung, tạo nên thế cô lập, uy hiếp Sài Gòn-Gia Định và vùng đất còn lại thuộc miền Đông và miền Tây Nam Bộ của chính quyền Sài Gòn.
Để ngăn chặn bước tiến công của Quân giải phóng, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã tập trung sức mạnh còn lại thiết lập nên tuyến phòng thủ kéo dài từ Phan Rang qua Xuân Lộc đến Tây Ninh; trong đó, Xuân Lộc là trọng điểm - "cánh cửa thép" bảo vệ Sài Gòn-Gia Định trên hướng Đông.
Quân giải phóng phát triển tiến công đánh chiếm Sở chỉ huy sư đoàn 18 ngụy trong Chiến dịch Xuân Lộc tháng 4/1975. (Ảnh tư liệu)
Xuân Lộc là một thị xã của tỉnh Long Khánh (thành phố Long Khánh, Đồng Nai hiện nay), cách Sài Gòn khoảng 80 km về phía Đông, án ngữ các trục giao thông quan trọng, như Quốc lộ 1A vào Sài Gòn, Quốc lộ 20 nối Sài Gòn với Đà Lạt và Quốc lộ 15 nối Sài Gòn với Bà Rịa-Vũng Tàu.
Chính Tham mưu trưởng lục quân Mỹ Đại tướng Frederick C. Weyand trực tiếp lên Xuân Lộc thị sát và nhấn mạnh: "Phải giữ cho được Xuân Lộc, mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn."
Để biến Xuân Lộc thành “cánh cửa thép," địch đã tập trung ở đây một sư đoàn bộ binh, một liên đoàn biệt động quân, một thiết đoàn xe tăng-thiết giáp, 4 tiểu đoàn pháo binh và lực lượng được tổng trù sẵn sàng ứng trợ đặc biệt.
Về phía ta, đánh giá đúng tầm quan trọng của cửa ngõ Xuân Lộc, ngày 2/4/1975, quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Miền đã quyết định mở cuộc tiến công giải phóng Xuân Lộc, nhằm tiêu diệt sư đoàn 18 ở vòng ngoài, phá âm mưu phòng ngự từ xa, phá thế phòng ngự củng cố Sài Gòn của địch, chia cắt giao thông, cô lập Sài Gòn. Nhiệm vụ tiến công Xuân Lộc được giao cho Quân đoàn 4.
5 giờ 40 phút ngày 9/4/1975, Quân đoàn 4 nổ súng tấn công Xuân Lộc. Trong ngày chiến đấu đầu tiên, quân ta đã chiếm được một phần hai thị xã, toàn bộ khu hành chính tiểu khu.
Những ngày sau đó, chiến sự ở Xuân Lộc-Long Khánh diễn ra ngày càng thêm ác liệt. Trước tình hình khó khăn, ta đã nghiên cứu diễn biến trận đánh, quyết định tổ chức lại lực lượng, thay đổi cách đánh từ tiến công trực tiếp chuyển sang thế trận bao vây, cô lập nhằm làm suy yếu lực lượng địch trong thị xã; tiêu diệt các lực lượng tiếp viện của địch mới được điều đến còn đứng chân chưa vững ở vòng ngoài.
Chỉ huy Trung đoàn 3 (Sư đoàn 304) bàn phương án tác chiến trong Chiến dịch Xuân Lộc. (ảnh tư liệu)
Ta tổ chức đánh chiếm ngã ba Dầu Giây, Núi Thị, cắt quốc lộ 1 và chặn đánh quân tiếp viện từ Biên Hòa, Trảng Bom, cắt rời Xuân Lộc ra khỏi Biên Hòa.
Rạng sáng 15/4/1975, quân ta bắt đầu bắn phá sân bay Biên Hòa. Ở khu vực Xuân Lộc, Sư đoàn 7 và Sư đoàn 341 liên tục quần nhau với địch, đánh tan hai chiến đoàn còn lại (43 và 48) của Sư đoàn 18 và diệt một bộ phận quân dù.
Thấy không thể bảo vệ được Xuân Lộc, ngày 20/4, địch rút chạy, bị quân ta truy kích tiêu diệt. Ngày 21/4, thị xã Xuân Lộc và toàn bộ tỉnh Long Khánh được giải phóng.
Sau khi “cánh cửa thép” Xuân Lộc bị đập tan, một loạt sự kiện chính trị lớn trên chính trường Sài Gòn liên tiếp diễn ra.
Ngay tối ngày Xuân Lộc được giải phóng, Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức Tổng thống Việt Nam cộng hòa, Trần Văn Hương lên thay trong bối cảnh khắp Sài Gòn đang ngày càng trở nên hoảng loạn bởi chiến dịch di tản của người Mỹ được xúc tiến với nhịp độ rất khẩn trương.
Bộ đội Sư đoàn 341 (Quân đoàn 4) tiến công giải phóng thị xã Xuân Lộc, đập tan tuyến phòng thủ mạnh nhất phía Đông Sài Gòn, ngày 21/4/1975. (Ảnh: TTXVN)
Ngay hôm sau, 22/4, Ðảng ủy, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh thông qua và chính thức phê duyệt kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn-Gia Ðịnh.
Tiếp đó, ngày 23/4, phía bên kia đại dương, tại Trường đại học Tulane ở New Orleans, Tổng thống Mỹ Gerold Ford tuyên bố: Cuộc chiến đã chấm dứt đối với người Mỹ.
"Chiến thắng Xuân Lộc làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch xung quanh Sài Gòn, làm cho tinh thần quân địch càng thêm suy sụp. Tin chiến thắng đã làm nức lòng nhân dân cả nước." (Trích hồi ký "Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng" cảu Đại tướng Võ Nguyên Giáp)
Ký ức người trong cuộc
Với khí thế “tiến công ào ào như thác đổ," sau 12 ngày đêm chiến đấu vô cùng anh dũng của quân và dân ta, “cánh cửa thép” Xuân Lộc đã được mở tung, mở đường cho quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước.
50 năm đã trôi qua nhưng ký ức về trận đánh Xuân Lộc đối với nhiều cựu chiến binh vẫn còn vẹn nguyên.
Gắn bó với trận đánh mang tính bước ngoặt tại Xuân Lộc năm 1975, khi ấy ông đảm nhiệm vai trò đại úy, đồng thời là Trung đoàn phó Trung đoàn 266 thuộc Sư đoàn 341, ông Lê Tiến Hạt hiện lưu giữ nhiều kỷ vật quý báu gắn liền với cuộc chiến đấu giải phóng Xuân Lộc. Trong thời kỳ thanh xuân rực rỡ nhất của cuộc đời, ông đã dâng hiến toàn bộ sức trẻ và lòng nhiệt huyết để cống hiến trong hàng ngũ Sư đoàn 341 thuộc Quân đoàn 4.
Theo lời kể của ông, Xuân Lộc được nhận định là một trong những cửa ngõ chiến lược vô cùng quan trọng. Trên cơ sở nắm bắt tình hình chiến trường thực tế, ngày 2/4/1975, Bộ Tư lệnh Miền, dưới sự quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo từ Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, đã ra quyết định mở một chiến dịch tiến công nhằm giải phóng Xuân Lộc. Mục tiêu chiến lược của chiến dịch là tiêu diệt Sư đoàn 18 đóng tại vòng ngoài, phá vỡ ý đồ phòng ngự từ xa của địch, đồng thời làm sụp đổ thế trận phòng ngự nhằm củng cố Sài Gòn. Không những vậy, chiến dịch còn đóng vai trò quan trọng trong việc cắt đứt các tuyến giao thông chiến lược và cô lập khu vực trung tâm của địch tại Sài Gòn.
Khí thế chuẩn bị cho trận chiến Xuân Lộc trong toàn quân đoàn vô cùng khẩn trương và nghiêm túc. Tại trung đoàn 266, nơi ông công tác, mọi người đều hiểu rõ rằng việc hạ được cứ điểm này là bước quyết định để tiến vào Sài Gòn và giành thắng lợi cuối cùng. Ai cũng nỗ lực, quyết tâm đóng góp dù nhỏ bé cho chiến dịch. Đặc biệt, có chiến sỹ khoảng 15-16 tuổi, như anh Đàm Duy Thiên, đã vẽ bản đồ tác chiến cực kỳ chi tiết, phù hợp với tình hình thực tế, giúp chỉ huy điều hành trận đánh hiệu quả.
Bản đồ trận Xuân Lộc do cựu chiến binh Đàm Duy Thiên hoàn thiện.
Cũng giống ông Hạt, cựu chiến binh Đàm Duy Thiên - người vẽ bản đồ tác chiến trận Xuân Lộc, vẫn nhớ như in những ngày tháng 4 lịch sử ở chiến trường miền Nam.
Chàng thanh niên Đàm Duy Thiên khi đó vừa tròn 16 tuổi đã gác lại ước mơ trở thành bác sỹ để lên đường bảo vệ Tổ quốc. Khi gia nhập Trung đoàn 266, ông là người nhỏ tuổi nhất đơn vị. Vốn có năng khiếu hội họa, ông được cấp trên giao nhiệm vụ vẽ bản đồ tác chiến các trận đánh.
Ông Thiên bồi hồi kể, ở trận Xuân Lộc, khi đến địa bàn mới, được nhiều thông tin về phía địch từ các trinh sát gửi về, ông phải cố gắng thu thập, quan sát và vận dụng trí nhớ của mình kết nối mọi dữ liệu. Lúc ấy, chỉ huy nói đến đâu phải ghi chép ngay đến đó. Ngoài ra, khi các đơn vị, bộ phận đi trinh sát báo về cũng cần nắm thông tin rồi thể hiện trên bản đồ chính xác.
Trong những ngày đầu tại trận Xuân Lộc, dù chiếm được một số mục tiêu trong thị xã, nhưng bộ đội ta vẫn chưa diệt gọn được các lực lượng của địch. Trước tình hình đó, chiến thuật tấn công có những thay đổi, khiến bản đồ thực chiến phải linh hoạt theo kế hoạch mới của cấp trên.
Nhờ những nét vẽ chính xác trên bản đồ cùng tinh thần dũng cảm, kiên cường, sau 12 ngày đêm (từ 9/4-20/4/1975), quân đội ta đã tấn công chính xác, phá tan "yết hầu" của Sài Gòn.
Cựu chiến binh Đặng Đình Long (sinh năm 1942, tại xã Đức Ninh, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình) nhớ lại: “Với tôi, kỷ niệm sâu sắc nhất chính là thời khắc khi tôi cùng đồng đội trực tiếp đánh thắng tuyến phòng thủ ở Xuân Lộc và áp sát Trảng Bom để tiến vào Sài Gòn. Trận đánh ác liệt phá tuyến phòng thủ thép của địch diễn ra 12 ngày đêm liên tiếp."
Với vị trí chiến lược của Xuân Lộc-Long Khánh, muốn giải phóng Sài Gòn thì phải giải phóng Xuân Lộc-Long Khánh. Chính vì vậy, chiến trường Xuân Lộc trở thành chiến trường vô cùng ác liệt.
Ngày 9/4/1975, ông Long cùng các đồng đội được lệnh nổ súng đồng loạt tấn công từ các mũi vào “cánh cửa thép” Xuân Lộc. Sau 12 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, tranh chấp từng căn nhà, góc phố tuyến phòng thủ Xuân Lộc của địch yếu dần.
Sau khi bẻ gãy tuyến phòng thủ Xuân Lộc, đêm 26/4/1975, đơn vị của ông Long nổ súng tấn công Trảng Bom, với khí thế hừng hực, đoàn quân tiến đánh chiếm sân bay Biên Hòa, cùng với đơn vị bạn vượt sông Đồng Nai tiến vào Sài Gòn.
Trong trận đánh ác liệt này, ông Long bị thương lần thứ 2 vì 15 mảnh đạn M79 cắm vào người. Trong lúc bị thương, ông đã phải bò lết gần 1 km, vừa nén đau, vừa làm nhiệm vụ trinh sát ngay bên cạnh tiểu đội thám báo của Mỹ Ngụy.
“Với người lính chúng tôi lúc đó, luôn sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm và đón nhận cái chết, quyết tâm chiến đấu đến cùng. Khi vào được Sài Gòn, chứng kiến lính ngụy bỏ lại vũ khí chạy toán loạn, người dân đổ ra đường chào đón bộ đội, chúng tôi tự hào, xúc động vô cùng. Đó là những cảm xúc khó thể nào quên," ông Long xúc động.
Đập tan "cánh cửa thép" Xuân Lộc, mở đường tiến vào Sài Gòn. (Ảnh tư liệu)
Ông Phạm Quang Thân (nguyên chiến sỹ Sư đoàn 341, Quân đoàn 4; hiện là Chủ tịch Hội cựu chiến binh thành phố Long Khánh, Đồng Nai) bồi hồi nhớ lại: “Ngày 9/4/1975, tất cả các đơn vị nhận được lệnh tiến vào giải phóng Xuân Lộc-Long Khánh. Lúc này cùng với nhân dân, các đơn vị bộ đội đánh đến đâu giải phóng đến đó, khí thế tiến công như một cơn lốc. Các đơn vị bộ đội chủ lực tiến vào Xuân Lộc, Long Khánh, đi đến đâu cũng được bà con chào đón, tiếp tế lương thực, thực phẩm."
Với ông Trần Văn Phú, nguyên chiến sỹ Đội Công binh xưởng quân giới Thị đội Long Khánh, những ký ức về trận đánh lịch sử cũng luôn trong tâm trí ông. Ông nhớ lại sáng 9/4/1975, bộ đội chủ lực bắt đầu nổ súng đồng loạt tấn công từ các mũi vào “cánh cửa thép” Xuân Lộc.
Lúc bấy giờ, các đơn vị bộ đội địa phương cũng tiến lên, đánh từ trong đánh ra; người dân vùng lên, hỗ trợ, tiếp tế cho lực lượng bộ đội, đánh đến đâu tiếp quản đến đó.
“Với vị trí chiến lược của Xuân Lộc-Long Khánh, quân địch xác định mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn. Đối với quân ta, xác định muốn giải phóng Sài Gòn thì phải giải phóng Xuân Lộc-Long Khánh. Chính vì vậy, chiến trường Xuân Lộc-Long Khánh trở thành chiến trường vô cùng ác liệt, địch sử dụng một lượng lớn vũ khí hiện đại và chống trả quyết liệt," ông Phạm Quang Thân chia sẻ.
Nhận định Xuân Lộc chỉ có giá trị khi được tiếp tế từ Biên Hòa, Bộ Tư lệnh chiến dịch chủ trương thay đổi chiến thuật, đánh cắt ngang hướng từ Dầu Giây tới, chiếm cao điểm núi Thị, nhằm cô lập Xuân Lộc khỏi sự chi viện của địch từ hướng Tây. Sau 12 ngày đêm tấn công toàn lực, đồng thời thực hiện cắt tiếp viện, quân ta đã đánh quân địch tan tác ra nhiều nơi.
“Với khí thế tiến công ào ào như thác đổ, các mũi tấn công của quân ta đã làm chủ được trận địa. Tại địa phương, các đơn vị bộ đội cùng với bà con đánh từ trong đánh ra, khiến sỹ quan, binh lính nguỵ quân tháo chạy tán loạn, tìm đường thoát thân," ông Trần Văn Phú nhớ lại.
Bắt tù binh địch tại tiểu khu Long Khánh. (Ảnh tư liệu)
Ý nghĩa lịch sử và những bài học kinh nghiệm quý giá
Thắng lợi của chiến dịch Xuân Lộc không những khẳng định đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh cách mạng, mà còn củng cố, phát huy nhân tố chính trị-tinh thần của toàn quân, toàn dân ta tạo nên sức mạnh tổng hợp để đi đến thắng lợi cuối cùng - Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Thắng lợi của chiến dịch Xuân Lộc đã tạo ra một địa bàn tập kết thuận lợi, làm bàn đạp xuất phát tiến công của Cánh quân hướng Đông - một trong 5 mũi chủ lực cơ động của đội hình chiến dịch mang tên Bác Hồ kính yêu tiến vào giải phóng Sài Gòn-Gia Định.
Mặt trận hướng Đông được khai thông, các cánh quân rầm rập tiến về Sài Gòn với khí thế không gì lay chuyển nổi. “Cánh cửa thép” Xuân Lộc bị phá đã mở toang cánh cửa cho đại quân ta mở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiến vào giải phóng Sài Gòn, xông thẳng vào sào huyệt cuối cùng của chế độ Mỹ-ngụy, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước oanh liệt của dân tộc Việt Nam.
Chiến thắng Xuân Lộc còn rút ra nhiều bài học giá trị. Đó là cách quán triệt ý đồ chiến lược của Trung ương Đảng, hạ quyết tâm kịp thời, chính xác; biết tổ chức và sử dụng lực lượng tại chỗ, phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân; trong chỉ đạo, chỉ huy kịp thời, nhạy bén, linh hoạt; phát huy thế tiến công chiến lược, chớp thời cơ giành thắng lợi.
Sáng 30/4/1975, từ khắp mọi hướng, hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp cùng bộ binh đồng loạt thẳng tiến Phủ Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng Sài Gòn. (Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN)
Những bài học kinh nghiệm và giá trị tinh thần đó vẫn còn nguyên vẹn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Hiện nay, các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu “diễn biến hòa bình," gây bạo loạn lật đổ, đã và đang sử dụng các chiêu bài “dân chủ," “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam...
Trước tình hình đó, để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và những thành quả của chiến thắng Xuân Lộc nói riêng, của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 và của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc nói chung, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, xây dựng nhân tố chính trị-tinh thần, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc, chủ động giữ nước từ khi nước chưa nguy./.
(Vietnam+)
Nguồn:https://www.vietnamplus.vn/xuan-loc-tran-chien-lich-su-noi-canh-cua-thep-cua-sai-gon-post1022561.vnp
Bình luận (0)