Tấm ảnh gia đình 4 thế hệ của gia đình chị Ngọc (đang bế đứa bé)
Chụp để giữ lại yêu thương khi còn có thể
Chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc (xã Tân Hưng, tỉnh Tây Ninh) có thói quen chụp ảnh gia đình vào mỗi dịp tết. Chị chia sẻ: “Những bức ảnh này được chụp vào dịp Tết Nguyên đán, thời điểm người người, nhà nhà sum họp bên nhau. Cứ mỗi mùng 2, mùng 3 tết, tất cả con cháu đều tề tựu về nhà ông bà. Đó là khoảnh khắc ấm áp mà có lẽ không điều gì có thể thay thế được”.
Từ những khung hình giản dị, nụ cười rạng rỡ của từng thành viên trở thành kỷ niệm quý giá. Với chị Ngọc, mỗi bức ảnh là một câu chuyện, lưu giữ khoảnh khắc ấm áp của người thân yêu. “Khoảnh khắc khiến tôi xúc động nhất là khi nhìn thấy ánh mắt rạng ngời, nụ cười hạnh phúc của những người mình thương yêu. Mỗi lần nhìn lại những bức ảnh ấy, tôi cảm thấy mình may mắn vì còn giữ được những giây phút trọn vẹn bên gia đình” - chị Ngọc nói.
Chị Ngọc không lưu ảnh trong điện thoại mà in ảnh, treo khắp nhà. Theo chị, đó không chỉ là kỷ niệm mà còn là cách để nhắc nhớ về gia đình bởi gia đình là nơi khởi nguồn, là động lực vững chắc nhất trong cuộc đời.
Tuy vậy, thực tế nhiều gia đình vẫn chưa có một tấm ảnh chung đầy đủ các thành viên. Theo chị Ngọc, lý do không hẳn nằm ở điều kiện hay công nghệ. “Không ít gia đình bận rộn, không có những buổi sum vầy đầy đủ các thành viên để cùng chụp một tấm ảnh. Tôi nghĩ chất keo gắn kết chưa thật sự chắc, mỗi người theo đuổi những suy nghĩ, lịch trình riêng, tình cảm giữa các thế hệ không chặt nên họ không cảm thấy việc chụp một bức ảnh chung là điều quá cần thiết” - chị Ngọc nói thêm.
Không phải ai cũng nhận ra giá trị của một tấm ảnh gia đình cho đến khi người thân đã đi xa. Những nếp nhăn, đôi mắt mờ hay cái nắm tay thân thương sẽ chỉ còn lại trong ký ức nếu không được lưu giữ. Bức ảnh tưởng chỉ là một khoảnh khắc nhưng thật ra là chứng nhân của tình thân, là sợi dây kết nối cho các thế hệ sau.
Muốn một tấm ảnh gia đình… nhưng mãi mãi không thể
Có những người dù rất khao khát nhưng mãi mãi không thể có được tấm ảnh gia đình. Và với họ, ký ức gia đình chỉ còn là những mảnh ghép rời rạc được lưu giữ trong tim. Anh Nguyễn Minh Hậu (xã Hưng Thuận) là một trong những người như thế. Anh Hậu đã có một gia đình nhỏ của riêng mình. Mỗi dịp đặc biệt, anh đều lưu giữ lại khoảnh khắc cả nhà bên nhau nhưng ngược lại, trong suốt hơn 30 năm qua, anh Hậu không có nổi một bức ảnh chụp cùng đầy đủ cha mẹ mình. “Không phải tôi không muốn mà vì không thể nữa rồi...” - anh Hậu bùi ngùi.
Năm anh Hậu khoảng 16 tuổi, mẹ anh gặp tai nạn giao thông khi đang trên đường đi làm. Bà ra đi đột ngột, không kịp nói lời từ biệt, không kịp để lại một tấm ảnh nào cùng gia đình. Thời ấy, điện thoại chưa phổ biến, máy ảnh kỹ thuật số là thứ xa xỉ và cũng không ai nghĩ rằng cần lưu giữ một điều tưởng chừng bình thường như vậy. Ảnh gia đình nếu có cũng chỉ là những tấm chụp riêng lẻ - cha một tấm, mẹ một tấm, con một tấm, chưa từng có một bức nào cả nhà cùng nhau ngồi trước ống kính.
“Cho đến bây giờ, tôi vẫn không nhớ rõ mẹ mình cười như thế nào vì ký ức cứ mờ dần theo thời gian. Tôi ước, chỉ một lần, có thể nhìn lại gia đình mình trong khung hình nhưng điều đó mãi là điều không thể” - anh Hậu nói.
Chính vì vậy, anh Hậu tự hứa với lòng sau này sẽ luôn cố gắng không để con mình lớn lên với những khoảng trống ký ức. Anh sẽ chụp ảnh cùng con mọi lúc có thể. Không cần dịp đặc biệt, chỉ cần là một ngày cả nhà được ở bên nhau. “Tôi muốn con mình khi trưởng thành có thể nhìn lại từng giai đoạn của tuổi thơ. Có thể thấy nụ cười của cha mẹ trong những bức ảnh, để biết rằng mình đã lớn lên trong yêu thương” - anh Hậu chia sẻ thêm.
Một bức ảnh gia đình tưởng chừng là điều đơn giản nhưng lại lưu giữ cảm xúc, tình thân và cả sự gắn bó qua năm tháng. Đừng ngại ngần nói lời yêu thương hay cùng ngồi lại để chụp một tấm ảnh. Bởi có thể hôm nay, gia đình chúng ta còn đầy đủ các thành viên nhưng ngày mai, ai biết được cuộc đời sẽ thay đổi ra sao? Và đôi khi, một bức ảnh - chỉ một bức ảnh - cũng có thể là cây cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa những người còn bên nhau và những người đã đi xa./.
Khánh Duy
Nguồn: https://baolongan.vn/anh-gia-dinh-de-nhung-khong-phai-gia-dinh-nao-cung-co-a198373.html
Bình luận (0)