Virus dại có cấu trúc tương tự nọc độc của rắn hổ mang
Tháng 3 vừa qua, một nam bệnh nhân 36 tuổi, sống tại huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận tử vong do bị chó nhà nuôi cắn vào gót chân trái, có chảy máu nhưng không tiêm phòng. Trước đó, một nam thanh niên 28 tuổi ở xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình cũng bị chó lạ chạy rông cắn nhưng không tiêm vaccine nên phát bệnh dại và tử vong sau 50 ngày.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong 3 tháng đầu năm nay, cả nước có 20 người tử vong do bệnh dại tại 13 tỉnh và có 80 động vật tại 22 tỉnh, thành phố buộc phải tiêu hủy do nghi mắc bệnh dại.
Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Trúc Phương, Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, các tháng nắng nóng, nhiệt độ cao hơn mức trung bình khiến các động vật, nhất là chó, mèo dễ bị căng thẳng và có xu hướng ra ngoài tìm kiếm thức ăn và nước uống. Điều này làm tăng nguy cơ lây truyền bệnh dại giữa các loài vật.
Bên cạnh đó, con người tham gia các hoạt động ngoài trời có xu hướng tiếp xúc động vật nhiều hơn. Đặc biệt, trẻ em nô đùa ở những nơi có vật nuôi thả rông, làm tăng nguy cơ bị con vật tấn công và lây nhiễm bệnh dại.
Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Trúc Phương cho biết, một phần của virus dại có cấu trúc tương tự nọc độc của rắn hổ mang, tiết ra chất độc mạnh, gây ức chế các tế bào thần kinh não. Đồng thời, virus kích hoạt cơ chế ảnh hưởng tới hàng rào mạch máu não. Hàng rào này vốn có nhiệm vụ bảo vệ, ngăn các chất nguy hiểm tấn công não, nay bị virus ức chế, khóa chặt. Việc này dẫn đến nỗ lực dùng thuốc tiêu diệt virus dại bị vô hiệu hóa, khiến người bệnh tử vong.
Virus dại rất nhạy bén. Khi xâm nhập vào cơ thể người, virus dại nhân lên ở vị trí vết thương, sau đó đi vào trong thần kinh cơ. Mầm bệnh tiếp tục theo dây thần kinh ngoại biên để tiến đến tủy sống và não bộ với tốc độ ước tính mỗi ngày 12-24 mm.
Trong suốt quá trình này, virus dại hầu như không gây triệu chứng, không kích thích phản ứng viêm mạnh. Do đó, hệ miễn dịch không thể nhận diện và tiêu diệt kịp thời.
Bác sĩ Phương cho biết virus dại gây hai thể bệnh gồm dại hung dữ và dại thể liệt. Khoảng 80% người mắc thể dại hung dữ với các hành vi co thắt hầu họng, tăng động, ảo giác, sợ gió, sợ nước. Người bệnh tử vong sau vài ngày do ngừng tim và suy hô hấp. Còn dại thể liệt diễn tiến chậm hơn, người bệnh bị liệt dần các cơ bắt đầu từ vị trí vết thương và lan ra toàn thân, cuối cùng dẫn tới tử vong.
Thời gian ủ bệnh tùy thuộc vào vị trí, số lượng vết cắn, tình trạng con vật, lượng virus đi vào cơ thể. Quá trình này càng ngắn nếu vết cắn càng sâu, nhiều vết cắn, chảy máu, gần khu vực thần kinh trung ương như vùng đầu mặt cổ, đầu các ngón tay, ngón chân.
Không chủ quan với vết chó, mèo cào
Bác sĩ Phương cho biết virus dại xâm nhập cơ thể người thông qua vết cắn, cào, liếm vào vết thương hở của động vật. Từ đây, virus dại phát triển từ lớp trong cùng của mô dưới da hoặc từ cơ bắp tiến vào các dây thần kinh ngoại biên.
Sau đó, virus tiếp tục di chuyển dọc theo các dây thần kinh ngoại biên để đến tủy sống và não. Trường hợp bị cắn ở vùng mặt, virus có thể di chuyển thẳng đến thân não thay vì tủy sống. Tốc độ di chuyển của virus dại ước tính từ 12-24 mm mỗi ngày. Điều này lý giải vết thương ở vùng đầu hoặc đầu dây thần kinh, đầu các chi, virus sẽ phát tán và đến não nhanh hơn.
Nếu vết thương ở xa đầu mút thần kinh, virus vẫn di chuyển dọc theo dây thần kinh và tấn công não. Quá trình này có thể mất nhiều tháng, dài nhất có thể lên đến vài năm, tốc độ phụ thuộc vào mức độ tổn thương nông hay sâu, số lượng virus đi vào cơ thể…
Vaccine dại có khả năng kích hoạt hệ thống miễn dịch và tạo ra các kháng thể nhận diện virus và tiêu diệt chúng, bảo vệ cơ thể. |
Bác sĩ Phương khuyến cáo, nhiều người sau vài tuần bị chó cắn, thấy cơ thể khỏe mạnh nên chủ quan tiêm phòng, không theo dõi con vật hoặc quên mất đã bị chó, mèo tấn công. Nhưng thực tế, gần 100% người nhiễm virus dại sẽ tử vong khi bệnh khởi phát.
Bác sĩ cũng chỉ ra sai lầm, người dân khi bị chó cắn nhưng thấy sức khỏe con vật bình thường, chó mèo đã tiêm phòng nên nghĩ mình không mắc bệnh dại. Thực tế, con vật có thể đã nhiễm virus dại song chưa biểu hiện triệu chứng, mầm bệnh thông qua nước bọt, vết cắn vẫn xâm nhập vào cơ thể.
Vì vậy, dù vật nuôi chưa biểu hiện bệnh, người dân vẫn cần chủng ngừa dại càng sớm càng tốt để tạo kháng thể bảo vệ. Nếu đợi chó, mèo chết hoặc phát bệnh mới tiêm phòng, người dân có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội phòng bệnh.
Theo bác sĩ Phương, vaccine dại có khả năng kích hoạt hệ thống miễn dịch và tạo ra các kháng thể nhận diện virus và tiêu diệt chúng, bảo vệ cơ thể.
Việt Nam có hai loại vaccine dại gồm Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ). Phác đồ tiêm gồm 5 mũi vào các ngày 0, 3, 7, 14, 28 với đường tiêm bắp và 8 mũi vào các ngày 0, 3, 7, 18 với đường tiêm trong da.
Trường hợp vết thương nặng và có nguy cơ phơi nhiễm uốn ván, bác sĩ có thể chỉ định tiêm thêm huyết thanh kháng dại và vaccine, huyết thanh kháng uốn ván. Trong quá trình tiêm, mọi người kết hợp theo dõi con vật trong vòng 10 ngày, bác sĩ có thể chỉ định dừng tiêm tùy theo tình trạng vết thương.
Người chưa bị cào, cắn hoặc có nguy cơ cao phơi nhiễm bệnh dại như trẻ em thường xuyên chơi với chó mèo, bác sĩ thú y, nhân viên vườn thú, làm việc tại cơ sở chăm sóc thú cưng, người đi đến vùng lưu hành bệnh dại nhưng tiếp cận vaccine và huyết thanh kháng dại gặp khó khăn… có thể tiêm vaccine để dự phòng. Phác đồ gồm ba mũi vaccine vào ngày 0, 7, 21 hoặc 28.
Người đã tiêm đủ phác đồ dự phòng trước phơi nhiễm hoặc đã tiêm đủ liều ở lần bị cắn trước đó, chỉ cần tiêm thêm hai mũi vaccine và không cần tiêm huyết thanh dù có vết thương nặng khi bị cào, cắn.
Ngoài vaccine, bác sĩ Phương khuyên khi bị chó mèo cắn, cào, liếm trên vết thương hở, cần rửa sạch vết thương dưới vòi nước chảy trong 15 phút. Sau đó, sát khuẩn bằng cồn 45-70 độ hoặc cồn iốt để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết cắn, chủng ngừa dại càng sớm càng tốt. Nếu không có xà phòng, mọi người có thể dùng những dầu gội, sữa tắm thay thế và sát trùng lại bằng cồn. Không điều trị bằng thuốc nam và các phương thuốc dân gian, gia truyền, làm chậm trễ cơ hội dự phòng dại.
Bác sĩ Phương cho biết, vaccine dại hiện nay được sản xuất theo công nghệ mới, có tính miễn dịch và an toàn cao, hiệu quả cao gấp nhiều lần so với vaccine thế hệ cũ đã ngừng sử dụng, đặc biệt không có tác dụng phụ ảnh hưởng đến trí nhớ. Các khuyến cáo phòng chống bệnh dại hiện nay đều kêu gọi người dân tiêm phòng dại càng sớm càng tốt sau khi khi bị động vật cắn, đồng thời tiêm vaccine cho vật nuôi.
Nguồn: https://nhandan.vn/dung-chu-quan-voi-tinh-mang-khi-bi-cho-meo-cao-post872386.html
Bình luận (0)