Y Un Diễm (dân tộc Gié Triêng) hiện là sinh viên năm 4 ngành Sư phạm tiếng Anh của Đại học Tây Nguyên. Cô gái của thôn Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) vừa hoàn thành chương trình trao đổi ngắn hạn tại Mỹ theo học bổng Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI).

Được “vươn ra biển lớn” là điều Diễm chưa từng tưởng tượng 7 năm trước, khi nữ sinh vừa tốt nghiệp cấp 3, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải nghỉ học, xuống thành phố làm thuê kiếm tiền.

z6442987968405_9b133753a69f2b070681faf2a8e382b3.jpg
Y Un Diễm hiện là sinh viên năm 4 ngành Sư phạm tiếng Anh của Đại học Tây Nguyên. Ảnh: NVCC

Từ nhỏ, bố mẹ ly hôn, Diễm sống cùng bà ngoại và em gái kém 5 tuổi vốn gặp khó khăn về thể chất lẫn trí tuệ. Năm Diễm học lớp 7, bà lại phát hiện mắc bệnh ung thư. Dù gia đình khó khăn về kinh tế, cô gái Gié Triêng vẫn luôn khát khao được tới trường. 

Ở thôn làng của Diễm, nhiều đứa trẻ vì hoàn cảnh khốn khó đã sớm bỏ học để làm rẫy, lập gia đình rồi có con. Cuộc sống chạy lo từng bữa khiến họ mãi không thoát nổi cái nghèo. Những hình ảnh đó càng thôi thúc Diễm phải tới trường. “Em sợ mình sẽ đi theo con đường như thế. Nhìn một số người bạn được học hành, có cuộc sống ổn định, thậm chí được khám phá thế giới, em càng khát khao được đi học”, Diễm nói.

Nhưng khát khao của Diễm vẫn không thể chiến thắng thực tế. Tốt nghiệp cấp 3, Diễm phải nghỉ học để đi làm. May mắn khi xuống Kon Tum, Diễm được cô nhân viên thư viện của trường cấp 3 cũ biết hoàn cảnh, giới thiệu cho theo học tại một trường phi chính phủ của Pháp. Đó giống như một cánh cửa mới mở ra với cô bé miền núi như Diễm. 

Tại đây, Diễm được tài trợ chi phí học tập và sinh hoạt. Sau 6 tháng học lý thuyết trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, Diễm có 5 tháng thực tập tại một khách sạn 5 sao ở TPHCM. Làm việc trong môi trường đó, cô gái Gié Triêng dần nhận ra tầm quan trọng của việc học tiếng Anh.

“Nhìn những người quản lý đều có bằng đại học, em nhận ra sự khác biệt về tư duy và cách giải quyết vấn đề, đặc biệt, nếu giỏi tiếng Anh có thể mở ra vô số cơ hội. Đó là lý do em quyết định phải tích góp tiền để sớm quay lại học, bởi giáo dục chính là chìa khóa và con đường nhanh nhất để thay đổi hoàn cảnh”, Diễm nói. 

z6442987980604_7683b232c6904d92be4e1e2d57c5f68a.jpg
Diễm là người dân tộc Gié Triêng. Ảnh: NVCC

Trong vòng 2 năm, Diễm nhận hai công việc một lúc, có những ngày làm từ 5h đến 24h. Nhưng nhờ đó, Diễm tích đủ số tiền để quay lại việc học. Năm 2020, Diễm đỗ vào ngành Sư phạm tiếng Anh của Trường ĐH Đà Lạt. Mong muốn của cô gái Gié Triêng là mang tiếng Anh tới gần hơn với những em nhỏ trong thôn làng, để các em có chìa khóa cho riêng mình và tự mở cánh cửa tương lai.

Hai năm nghỉ học đi làm cũng giúp Diễm định hướng rõ ràng hơn và thêm động lực phấn đấu. Thế nhưng, khó khăn vẫn cản bước cô gái nhỏ. Một Lần, Diễm gặp tai nạn trên đường đến trường. Suốt 6 tháng sau, việc học bị gián đoạn, cô phải dùng toàn bộ số tiền tích lũy để điều trị. 

Thời gian ấy, Diễm trăn trở giữa việc tiếp tục đi học hay dừng lại. Không thể đóng học phí, một lần nữa, Diễm tạm gác việc học.

Trong thời gian điều trị, Diễm bán hàng online, tích góp tiền và tiếp tục tìm hiểu yêu cầu tuyển sinh vào các trường đại học khác. Năm 2021, nữ sinh nộp lại học bạ và trúng tuyển vào ngành Sư phạm tiếng Anh của Đại học Tây Nguyên.

Nhưng con đường đến với giảng đường của Diễm vẫn còn thử thách. Học được 1 năm, Diễm lại gặp tai nạn giao thông, khiến sức khỏe giảm sút nghiêm trọng. “Ngay lúc đó, em nghĩ có lẽ mình không có duyên với đại học rồi. Nhưng nếu nghỉ học, em không biết mình sẽ phải làm gì để có tiền và thay đổi cuộc sống”, Diễm nói.

Diễm nhìn nhận, lần tai nạn thứ hai này là khoảng thời gian khó khăn nhất với mình. Dù không phải bỏ lỡ cánh cửa đại học thêm một lần nữa, nhưng điều đó làm cuộc sống của cô bị đảo lộn. 

“Dẫu vậy, em luôn nghĩ tích cực rằng thử thách chỉ để bản thân thêm mạnh mẽ và kiên cường. Do đó, mình phải đứng lên tiếp tục tiến về phía trước”, Diễm nói.

z6442987981421_2beedc2ded24011cbeed62e332dc7ac9.jpg
Diễm là Ủy viên Ban thư ký, Hội sinh viên Việt Nam tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: NVCC

Sau tai nạn, Diễm vẫn đến trường. Cô lao vào học tập, rèn luyện bản thân, tích cực tham gia hoạt động Đoàn và đi tình nguyện, đến vùng núi dạy tiếng Anh cho các em nhỏ. Hiện tại, Diễm là Ủy viên Ban thư ký, Hội sinh viên Việt Nam tỉnh Đắk Lắk, Chủ nhiệm CLB Sinh viên 5 tốt Trường ĐH Tây Nguyên. 

Từ năm thứ 3 đại học, Diễm ấp ủ được rời thôn làng để khám phá thế giới. Nhờ cố vấn học tập là một tiến sĩ Mỹ, Diễm được vạch ra những yếu tố cần để “săn” học bổng. Đến tháng 10/2024, nữ sinh giành học bổng ngắn hạn Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á do Chính phủ Mỹ tài trợ.

“Trong chuyến đi ấy, em được gặp gỡ các giáo sư người Mỹ cùng nhiều bạn trẻ đến từ 11 quốc gia Đông Nam Á. Nhìn thấy sự cống hiến của các bạn với cộng đồng, em nhận thấy những việc mình làm rất nhỏ bé”.

Khi trở về, Diễm như trở thành “một con người khác trong tư duy”. Nữ sinh đặt mục tiêu tiếp tục phát triển chuyên môn và tìm kiếm học bổng thạc sĩ.

“Em chọn ngành sư phạm tiếng Anh với mong muốn đưa ngoại ngữ về với thôn làng. Ngày bé, ở nơi em sinh ra, nhiều người còn chật vật lo cái ăn, cái mặc nên học ngoại ngữ là điều gì đó rất xa vời. Nhưng em muốn thay đổi suy nghĩ rằng tiếng Anh không khó và có thể mở ra nhiều cơ hội mới cho những đứa trẻ. Ước mơ của em là có thể đưa các lớp học xuyên biên giới về với Kon Tum”, Y Un Diễm nói.

Nữ sinh Mường vào đại học nhờ ân tình của dân bảnPhùng Thị Thúy nói việc mình được đi học giống như “một phép màu”. Cầm những đồng tiền mồ hôi, công sức của người dân trong bản, Thúy quyết tâm học hành để sớm quay trở về báo đáp những ân tình này.
Mong điều chế thuốc chữa bệnh của bố, 10X giành học bổng tiến sĩ tại SingaporeChứng kiến sự khó khăn của bố khi phải đối mặt với bệnh tật, Nhàn quyết tâm theo đuổi ngành Hóa dược với ước mơ đóng góp vào việc phát triển các liệu pháp hiệu quả, giúp điều trị những căn bệnh tương tự bố mắc phải.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/duong-hoc-lien-tiep-dut-doan-nu-sinh-y-un-diem-san-hoc-bong-my-day-bat-ngo-2382032.html