Diễn ra trong hai ngày 10 - 11/4, Hội nghị Khoa học Quốc tế “Các giải pháp xanh và công nghệ mới nổi cho sự phát triển bền vững” lần thứ hai (GSETS 2025) do Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) phối hợp cùng Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 TP.HCM (HCMC C4IR) tổ chức. Hội nghị quy tụ gần 300 đại biểu với hơn 170 bài báo khoa học, trong đó 7 báo cáo tại 2 phiên toàn thể, hơn 40 báo cáo tại 3 phiên song song, cùng hàng chục poster tại phiên triển lãm.

Ba nhóm chủ đề then chốt gồm Vật liệu tiên tiến và các công nghệ sản xuất xanh; Các giải pháp và công nghệ phát triển bền vững; Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo cho phát triển bền vững. Các công trình nghiên cứu không chỉ cho thấy chiều sâu khoa học và tính khả thi trong ứng dụng thực tế, mà còn thể hiện mối quan tâm ngày càng rõ nét của cộng đồng học thuật toàn cầu đối với tương lai phát triển bền vững của Việt Nam.
Tại các phiên làm việc, nhiều báo cáo từ các học giả quốc tế gây chú ý nhờ tính đột phá về giải pháp khoa học cũng như tiềm năng ứng dụng trong điều kiện của Việt Nam. Có thể kể đến một số đề tài nổi bật như: “Những tiến bộ gần đây trong chất điện phân Polymer Composite tích hợp với chất độn vô cơ”; “Trí tuệ nhân tạo trong Cơ học tính toán”; “Biến đổi bên trong và mối quan hệ của nó với các Mục tiêu Phát triển Bền vững”; “Cải thiện hiệu suất xúc tác của các hệ thống dựa trên oxit kim loại cho nhà máy lọc sinh học”; “Công nghệ độ nhớt từ (MR) cho kiểm soát sốc và rung động”;…

Điểm chung giữa các nghiên cứu là tính ứng dụng cao và dài hạn trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước nhiều áp lực về môi trường và phát triển hạ tầng. Chẳng hạn, nghiên cứu về vật liệu nanocomposite polymer hướng đến sản phẩm màng lọc sinh học có thể phân hủy hoàn toàn, được đánh giá là giải pháp tiềm năng thay thế nhựa truyền thống trong bao bì và xử lý rác thải - đang đặt ra nhiều thách thức cho các đô thị lớn của Việt Nam.
Nghiên cứu về giấy cellulose tích hợp MOF Fe-nano, với khả năng phân hủy các hợp chất hữu cơ độc hại trong nước, mang đến một hướng tiếp cận mới trong xử lý nước thải công nghiệp. Trong khi đó, ứng dụng AI trong cơ học tính toán cho phép mô phỏng và dự đoán hiệu quả của các kết cấu công trình hay hệ thống kỹ thuật, mở ra khả năng nâng cao chất lượng xây dựng và quản lý đô thị thông minh, phù hợp với nhu cầu phát triển bền vững tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội.

Bên cạnh các phiên toàn thể và phiên song song, phiên poster cũng được tổ chức, đóng vai trò như diễn đàn mở cho các nhóm nghiên cứu trình bày công trình theo hình thức trực quan, qua đó tăng cường kết nối và trao đổi học thuật đa chiều.
Với quy mô mở rộng và nâng cấp so với lần 1 tổ chức năm 2023, Hội nghị Khoa học Quốc tế GSETS 2025 cho thấy nỗ lực của HUTECH trong việc góp phần tạo dựng diễn đàn học thuật có tầm ảnh hưởng lớn, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, trao đổi học thuật giữa các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học vật liệu, công nghệ xanh, khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và công nghệ mới nổi cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Đây còn là cầu nối giúp các đại biểu trong và ngoài nước trao đổi các hướng nghiên cứu mới, chuyển giao các ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.

Đáng chú ý, trong khuôn khổ GSETS 2025, HUTECH cũng ra mắt Tạp chí khoa học METS (Materials and Emerging Technologies for Sustainability). Tạp chí quy tụ gần 20 thành viên là các chuyên gia, nhà khoa học đến từ nhiều nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Úc, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia và Trung Quốc, trong đó GS.TS. Nguyễn Xuân Hùng - Viện trưởng Viện Công nghệ CIRTech - HUTECH đảm nhận vai trò Tổng Biên tập.
Sự kiện ra mắt METS đánh dấu một bước tiến quan trọng của HUTECH trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu, kết nối cộng đồng khoa học quốc tế và thúc đẩy các giải pháp bền vững cho sự phát triển của xã hội.
Ngọc Minh
Nguồn: https://vietnamnet.vn/gsets-2025-lo-trinh-phat-trien-ben-vung-cua-viet-nam-tro-thanh-chu-de-nong-2390388.html
Bình luận (0)