Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khoảng 30% sinh viên tốt nghiệp không làm trong lĩnh vực được đào tạo

Dự thảo báo cáo giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu số liệu ước tính 30% sinh viên tốt nghiệp không làm việc trong lĩnh vực được đào tạo.

Hà Nội MớiHà Nội Mới10/07/2025

Sáng 10-7, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về dự thảo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”.

ubtvqh3.jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Còn khoảng 38 triệu lao động chưa qua đào tạo

Trình bày dự thảo báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Đoàn Giám sát cho rằng, đối với khu vực công lập, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chiếm tỷ lệ không nhiều trong tổng số lực lượng lao động toàn xã hội, phần lớn có trình độ từ đại học trở lên; công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý và phát triển nguồn nhân lực được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm công khai, minh bạch theo quy định, do vậy, chất lượng, trình độ đội ngũ nhìn chung đáp ứng tốt yêu cầu.

Đối với khu vực ngoài công lập, số lượng lao động có sự gia tăng (tốc độ tăng bình quân khoảng 0,65%/năm trong giai đoạn 2021-2024), nhất là trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Năm 2024, cả nước có gần 47,3 triệu người lao động làm việc ở khu vực ngoài nhà nước, chiếm 89,3% tổng lực lượng lao động và chiếm hơn 91% tổng số lao động có việc làm của nền kinh tế.

Chất lượng giáo dục, đào tạo ở nước ta ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Quy mô đào tạo đại học và nghề nghiệp nhìn chung ổn định trong giai đoạn giám sát. Cơ cấu ngành nghề, trình độ, lĩnh vực đào tạo đa dạng. Nhiều ngành mới được mở, thích ứng nhanh với nhu cầu của thị trường lao động. Việc thực hiện tự chủ đại học được mở rộng, từng bước phát huy hiệu quả. Nguồn lực đầu tư được tăng cường, đa dạng hóa; hiệu quả sử dụng được nâng lên.

Các chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân lực chất lượng cao của các bộ, ngành địa phương bước đầu đã phát huy hiệu quả. Từ năm 2018 đến tháng 10-2024, có 706 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ được thu hút, tuyển dụng vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức. Một số địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện thi tuyển công khai một số vị trí lãnh đạo, cho phép nhân sự ngoài hệ thống được thi tuyển, thí điểm trả lương cao cho giảng viên, bác sĩ giỏi, có cơ chế nội bộ linh hoạt về lương, môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ khác để giữ người tài.

ubtvqh5.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày dự thảo báo cáo giám sát. Ảnh: media.quochoi.vn

Tuy nhiên, Đoàn Giám sát đánh giá, do chưa có quy định đầy đủ, toàn diện về nhân lực chất lượng cao nên có khó khăn trong công tác xác định nhân tài, người có trình độ cao và việc hoạch định chính sách thu hút, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao. Đất nước cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, nhất là chuyên gia đầu ngành, “tổng công trình sư” trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, lĩnh vực kinh tế mới, nhân lực phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực quan trọng khác như luật, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, khí tượng thủy văn...

Tỷ lệ sinh viên theo học các ngành kinh tế, tài chính, luật khá cao. Tỷ lệ theo học các nhóm ngành khoa học cơ bản, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản… có xu hướng giảm. Một bộ phận không nhỏ sinh viên tốt nghiệp đại học chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, nhất là về kỹ năng, độ thích ứng và tính chuyên nghiệp. Ước tính 30% sinh viên tốt nghiệp không làm việc trong lĩnh vực được đào tạo.

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức còn khá cao, chiếm 64,6% lực lượng lao động, đa số thu nhập thấp, thời gian làm việc kéo dài, điều kiện lao động không bảo đảm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2024 đạt 28,3%. Cả nước còn khoảng 38 triệu lao động chưa qua đào tạo.

ubtvqh4.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn

Đổi mới tư duy trong dự báo, đào tạo nguồn nhân lực

Từ kết quả giám sát nêu trên, Đoàn Giám sát đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực này, đồng thời xây dựng Quỹ học bổng từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa để hỗ trợ sinh viên xuất sắc, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đào tạo bậc đại học trở lên ở trong nước và nước ngoài, ưu tiên các lĩnh vực khoa học cơ bản, ngành nghề trọng điểm. Bố trí đủ ngân sách để thực hiện các chương trình, đề án đã ban hành về phát triển nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao. Bố trí đủ tối thiểu 20% chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo.

Triển khai thực hiện tốt chính sách về thị thực nhằm thu hút người nước ngoài thuộc nhóm nhân lực chất lượng cao đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn mới. Chú trọng việc thu hút nhân tài là sinh viên Việt Nam học tập ở nước ngoài, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, “tổng công trình sư” người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành là người nước ngoài làm việc trong những lĩnh vực mới, lĩnh vực quan trọng.

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, về hoàn thiện thể chế, đề nghị bổ sung giải pháp đổi mới việc dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và phản ánh chính xác nhu cầu hiện nay. “Phải đổi mới tư duy, vẫn còn kiểu dự báo “ăn xổi ở thì” thì rất khó”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị bổ sung việc ngoài xây dựng Quỹ học bổng từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa, cần tiếp tục duy trì quỹ khuyến học, khuyến tài ở địa phương, gia đình, cơ quan, tổ chức, nhiều nơi đang làm rất tốt.

ubtvqh7.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội Phan Văn Mãi thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội Phan Văn Mãi kiến nghị cần sử dụng những kết quả giám sát này thành dữ liệu đầu vào cho nghị quyết sắp tới về giáo dục đào tạo và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng liên quan đến giáo dục, đào tạo.

Về tự chủ, xã hội hóa giáo dục, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội cho rằng tự chủ, xã hội hóa không có nghĩa là để cho các cơ sở giáo dục tự xoay xở. “Quá trình tự chủ, xã hội hóa thậm chí ngân sách phải được đầu tư nhiều hơn nữa với quan điểm là đầu tư cho giáo dục, y tế, xã hội.

Tự chủ ở đây là tự quyết chứ không chỉ tự chủ về ngân sách tài chính. Chúng ta để cho các cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục tự lo kinh phí sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề khác”, ông Phan Văn Mãi nói.

Ông Phan Văn Mãi cho rằng phải xác định các chính sách đột phá cho phát triển giáo dục, đặc biệt là cho giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học như đào tạo nguồn nhân lực cho công nghệ chip bán dẫn; đầu tư các phòng thí nghiệm, các cơ sở thực hành để đào tạo nhân lực nguồn và thu hút nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho biết, phải làm rõ khái niệm và phạm vi của nguồn nhân lực chất lượng cao thì mới đi vào được những vấn đề trọng yếu khác và đề ra những giải pháp. Bên cạnh đó, vấn đề quan trọng nhất làm thế nào để đào tạo và sử dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Thường trực Đoàn giám sát phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan liên quan để hoàn thiện báo cáo giám sát, dự thảo Nghị quyết và hồ sơ, tài liệu liên quan, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tại phiên họp tháng 8-2025.

Nguồn: https://hanoimoi.vn/khoang-30-sinh-vien-tot-nghiep-khong-lam-trong-linh-vuc-duoc-dao-tao-708621.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa
Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm