Anh Lê Mỹ Phước cho hay, năm 2008, anh được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty TNHH Doosan Enerbility Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc). Ngay từ khi bắt đầu vào công ty làm việc, anh đã nỗ lực làm việc. Trước đó, anh Phước được kết nạp Đảng tại Trường Cao đẳng Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ. Năm 2009, anh chuyển sinh hoạt đảng về Đảng bộ Công ty TNHH Doosan Enerbility Việt Nam và được đảng bộ công ty làm thủ tục chuyển đảng chính thức. "Tôi luôn tự nhắc nhở bản thân không ngừng phấn đấu trong công việc, sẵn sàng xung phong đảm nhận những việc mới, việc khó, để xứng đáng với vai trò tiên phong, gương mẫu của một người đảng viên", anh Phước chia sẻ.
Anh Lê Mỹ Phước có nhiều sáng kiến làm lợi cho công ty, tạo môi trường làm việc an toàn cho công nhân lao động. |
Với tinh thần cầu thị, anh Phước thường xuyên tham mưu, đề xuất với ban giám đốc công ty để tìm ra giải pháp tối ưu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất nhiều sáng kiến, cải tiến phù hợp với thực tiễn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo anh Phước, cáp điện là một thiết bị quan trọng trong sản xuất cẩu trục, có chức năng truyền tải điện năng từ nguồn đến các thiết bị và bộ phận khác giúp cẩu trục hoạt động. Hiện nay, đội MHS Erection sử dụng khoảng 50 - 60 cuộn dây cáp điện phục vụ cho việc lắp dựng cẩu trục, cần 9 công nhân ra cáp hằng ngày. Tuy nhiên, mỗi công nhân có khả năng và hiệu suất làm việc khác nhau, dẫn đến năng suất không ổn định. Điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động. Từ đó, anh Phước nghiên cứu giải pháp “Máy kéo cáp điện bán tự động”, thay thế cho phương pháp kéo và cuốn cáp thủ công. Anh Phước tận dụng các vật tư có sẵn, cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình từ đội gia công của nhà máy MHS và bộ phận đào tạo, Keson “Máy kéo cáp điện bán tự động” được đưa vào vận hành từ tháng 8/2024, chỉ sau 2 tuần thử nghiệm. Sự ra đời của Keson đã giúp nhà máy giảm 1/3 nhân lực sử dụng cho việc kéo cáp so với trước đây.
Bên cạnh đó, anh Phương có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật như: Sáng kiến thay đổi phương pháp cắt Angle của dự án cẩu RMQC; cải tiến thay đổi bản vẽ thiết kế bằng cách cắt thẳng Angle cẩu RMQC 6; giải pháp “Cải tiến cơ cấu trượt và dưỡng chép hình cắt vát trực tiếp sản phẩm có biên dạng phức tạp ống đường kính 711”... Nhờ đó, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, sản lượng, đảm bảo an toàn trong lao động. “Mỗi sáng kiến không chỉ là kết quả của sự nỗ lực cá nhân mà còn là sự hỗ trợ từ đồng nghiệp và sự định hướng đúng đắn của lãnh đạo công ty. Tôi luôn tin rằng, chỉ cần có đam mê và tinh thần không ngừng học hỏi, chúng ta sẽ tìm ra những giải pháp tối ưu nhất cho công việc”, anh Phước bày tỏ.
Bài, ảnh: TRUNG ÂN
Nguồn: https://baoquangngai.vn/xa-hoi/202504/trach-nhiem-sang-tao-trong-lao-dong-3821559/
Bình luận (0)